Lời khuyên mua nhà thứ nhất: Hãy xác định bạn có thật sự cần mua nhà không?
Câu hỏi đặt ra ở đây là đối với hoàn cảnh đặc thù của mỗi cá nhân, mua và sở hữu một căn nhà có thực sự cần thiết và quan trọng hay không. Một số người sẽ nói với bạn rằng thuê nhà là ném tiền qua cửa sổ, nhưng thực ra có rất nhiều lợi ích khi thuê nhà, đặc biệt là khi bạn phải chuyển chỗ ở nhiều do yêu cầu công việc hoặc sở thích.
Lời khuyên mua nhà thứ hai: Không nhất thiết cứ phải nghe theo ý kiến từ người khác
Khi bạn thông báo ý định mua nhà, hãy yên tâm một điều rằng bạn bè và người thân của bạn sẽ trở thành các chuyên gia tư vấn với vô số lời khuyên, thông thường đều là ý tốt cả. Nhưng bạn hãy nhớ rằng có những nguyên tắc đúng trong quá khứ nhưng không còn đúng trong hiện tại, hay đúng với người này nhưng không đúng với người khác trong một thị trường bất động sản luôn biến động. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của người khác và chọn lọc những ý kiến tốt nhất dành cho mình.
Lời khuyên mua nhà thứ ba: Dành thời gian và công sức để tìm ngôi nhà lý tưởng nhất, đừng hấp tấp
Khi bạn đi xem nhà, đừng ngại ngần ngó nghiêng cho kỹ càng. Hãy dùng các giác quan của mình để kiểm tra ngôi nhà, hãy dùng tay sờ, gõ, kiểm tra các trang thiết bị, dùng thử nước trong buồng vệ sinh, bật thử máy lạnh, dạo nhiều vòng quanh khu nhà, ngắm nghía các tiện ích lân cận… Có vô số thứ bạn có thể kiểm tra ngay để chắc chắn là sau khi mua không phải thốt lên “Giá mà mình cẩn thận hơn!”.
Với các dự án nhà ở chưa hình thành (hay còn gọi là dự án nhà ở trong tương lai), cách tốt nhất là tìm hiểu thật kỹ thông tin của chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng dự án, đi dò xét các công trình đã đưa vào sử dụng của Chủ đầu tư đó để kiểm tra chất lượng. Nếu có thời gian hãy hỏi han cư dân ở đó, trao đổi với nhân viên công ty để cảm nhận cung cách làm việc của họ. Có vô số cách để thu thập thông tin, hãy sáng tạo và nhạy bén.
Lời khuyên mua nhà thứ tư: Nếu có thể, hãy nhờ đến sự hỗ trợ từ môi giới hoặc bạn bè đang làm trong lĩnh vực BĐS
Ở các thị trường phát triển có nghề gọi là Home Inspector (người chuyên đi kiểm tra chất lượng nhà) để giúp người mua tránh các chi phí sửa chữa không đáng có về sau. Ở Việt Nam hiện chưa có nghề này, tốt nhất bạn có thể nhờ bạn bè làm trong ngành bất động sản, ngành xây dựng cùng đi tìm hiểu chất lượng công trình. Về hợp đồng, chọn phòng công chứng lớn, uy tín, đọc kỹ hợp đồng và tham khảo môi giới xem có nên sửa đổi, bổ sung điều khoản gì không. Chọn môi giới có kinh nghiệm, chuyên nghiệp, cần tỏ thái độ dứt khoát khi môi giới có ý thiên vị bên bán (là bên trả phí môi giới). Nên nhớ rằng bạn là người duy nhất phải rút hầu bao ở đây.
Lời khuyên mua nhà thứ năm: Đừng ngần ngại đưa ra lời từ chối
Khi xét thấy một giao dịch bất lợi, bạn đừng ngại từ chối thẳng thừng dẫu cho chủ nhà rất tốt với bạn, hay môi giới đã bỏ nhiều công sức cho bạn. Hãy nhớ rằng người bán niềm nở là điều đương nhiên, còn môi giới thì nghề của họ bắt buộc phải như vậy. Có rất nhiều Bất động sản rao bán trên thị trường và lựa chọn cho kỹ là nhiệm vụ của bạn. Nhớ rằng mua bán nhà là một giao dịch tài chính sòng phẳng, trong đó các điều khoản bạn đặt ra phải được đáp ứng.
Lời khuyên mua nhà thứ sáu: Thoải mái mặc cả giá bán
Nếu ngại ngần trong việc thương lượng giá cả, bạn có thể nhờ nhân viên môi giới đại diện cho mình, nhưng bạn sẽ không thể chắc chắn là môi giới sẽ hết lòng trả giá cho bạn. Với tư cách người mua, bạn cần phải cầm trịch và đưa ra các thông điệp rõ ràng cho cả người bán và môi giới.
Lời khuyên mua nhà thứ bảy: Cảnh giác tối đa trước những môi giới mà bạn cảm thấy không đáng tin
Môi giới bất động sản là những người bán hàng chuyên nghiệp. Họ sẽ có cách khiến bạn cảm thấy căn nhà bạn đang xem là hoàn hảo, và nếu bạn không nhanh tay thì người khác sẽ hớt tay trên mất. Nếu bạn cảm thấy mình đang rơi vào tình trạng bị thúc ép, dù ít hay nhiều, hãy dành một chút thời gian để cân nhắc. Ở đây chính bạn là người chủ động chứ không phải ai khác.
Lời khuyên mua nhà thứ tám: Mua nhà phù hợp với túi tiền của bạn
Khi mua nhà, tốt nhất là bạn chỉ nên mua trong khả năng tài chính hiện có của mình, còn trong trường hợp bạn quyết định vay thêm để mua thứ đắt tiền hơn, hãy căn cứ ngân sách theo khả năng trả nợ thực tế chứ không phải trên mức tối đa bạn có thể vay nợ.
Kể cả khi bạn chắc chắn là trong một hai năm tới bạn sẽ có thêm thu nhập, bạn vẫn sẽ thấy là tăng thu nhập đồng nghĩa với tăng nhu cầu: con cái, nội thất, xe cộ, du lịch… là những khoản chi phí đáng kể. Hãy chắc chắn là sau khi mua nhà thì bạn vẫn còn gì đó trong túi để tiếp tục sống theo cách bạn muốn.
Lời khuyên mua nhà thứ chín: Việc tìm nhà có thể lâu hơn bạn tưởng, đừng nôn nóng
Đừng lệ thuộc vào kế hoạch của người khác và đừng thỏa thuận gì gây khó cho bạn nếu việc tìm mua nhà lâu hơn bạn dự kiến (ví dụ hủy hợp đồng thuê quá sớm, bán nhà đang ở quá vội). Nếu bạn đang thuê nhà, tốt nhất là thỏa thuận thuê tháng một để có thể dọn ra bất kỳ lúc nào mà không bị phạt. Tóm lại, không đi mua nhà trong tâm thế bị thúc ép, phải đưa ra các quyết định vội vàng. Thực ra điều này cũng đúng với cả người bán, bất kể ai giao dịch trong sự sốt ruột đều nắm chắc bị thua thiệt.
Tổng kết lại, mua nhà để an cư là một việc lớn, rất nhiều người chỉ làm điều đó 1, 2 lần trong đời. Vậy thì không có lý do gì bạn phải vội vàng, hãy coi đây là một “dự án cá nhân” cần được nghiên cứu cẩn thận, và tiến hành bài bản từng bước một. Lắng nghe lời khuyên của những người có nhiều kinh nghiệm, từ đó chọn cho mình một quyết định đúng đắn nhất.